Tìm kiếm tin tức
Điều kiện tự nhiên - xã hội xã Hải Dương
Ngày cập nhật 24/11/2017

Điều kiện tự nhiên - xã hội xã Hải Dương, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Điều kiện tự nhiên

          Hải Dương là xã ven biển bãi ngang của Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc hệ thống phá Tam Giang, cách trung tâm thành phố Huế  hơn 15 km, nằm cuối tuyến đường Quốc lộ 49 B, nối liền các xã ven biển đến phía bắc cửa Thuận An, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

          - Phía Đông giáp với Biển Đông.

          - Phía Nam giáp với cửa biển Thuận An,Thành phố Huế

          - Phía Tây giáp với phá Tam Giang.

          - Phía Bắc giáp với xã Quãng Công, huyện Quãng Điền.

Xã Hải Dương có chiều dài bờ biển là 7km, tạo thành một ngư trường rộng lớn 2.592,8 km2. Là một xã chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Sản lượng hàng năm tăng cao. Trong đó ngành thủy sản chiếm tỷ trọng trên 60% trong tổng thu nhập từ sản xuất.

Tổng diện tích đất tự nhiện của xã Hải Dương là 1.027 ha, trong đó đất Nông nghiệp 181,01 ha, đất Lâm nghiệp 189,80 ha, đất chuyên dùng 78,71 ha, đất ở chiếm 23,78 ha và 551,80 ha còn lại là đất chưa sử dụng. Cạnh bờ biển có động cát, rừng phi lao chạy song song và có hồ nước ngọt tự nhiên với diện tích 02 ha là điều kiện tốt để phát triển du lịch và dịch vụ tắm biển.

 Địa bàn có cửa biển Thuận An, phá Tam giang nên nước mặn dễ xâm nhập, đồng thời nằm ở vị trí xung yếu, thường xuyên bị biển xâm thực gây xói lỡ, sạt lỡ bờ biển và các tuyến đất đai ven phá, khí hậu thời tiết diễn ra thất thường làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Điều kiện kinh tế-xã hội

Tình hình phát triển kinh tế của xã Hải Dương đang được tập trung thực hiện theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Là một xã ven biển và đầm phá có điều kiện phát triển ngành mũi nhọn thủy sản tạo thu nhập cao cho người lao động. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nhiều ngành nghề đa dạng như: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, may mặc, mộc, nề chằm nón lá, chế biến hải sản, kinh doanh dịch vụ.....

Toàn xã có 1.526 hộ, 7.129 khẩu, lao động có 3083 người; mật độ dân số là 712 người/ha. Trên địa bàn xã có 05 cơ sở tôn giáo, 03 làng, 04 trường học, 01 điểm Bưu điện văn hóa, 01 trạm Y tế, 02 HTX nông nghiệp, 03 chi hội nghề cá, 06 khu dân cư (thôn). Tổng thu nhập từ sản xuất năm 2012 là 96,241 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người 13,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,8%.

 Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng như hệ thống lưới điện, Bưu chính viễn thông, Cầu Tam Giang, Đê kè biển, các Khu tái định cư, hệ thống nước sạch, hạ tầng phát triển kinh tế, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên 98%, đường Quốc lộ 49b qua địa bàn được nhựa hóa tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông đi lại của nhân dân; cơ sở vật chất của Trường học được xây dựng hoàn thiện đáp ứng được nhu cầu dạy và học; Trạm y tế được xây dựng mới và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, đã tạo kích cầu phát triển tế - xã hội ở địa phương.

Về tình hình văn hoá, y tế, giáo dục ở xã đang được phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 0,8%, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 9,2%; vệ sinh môi trường rác thải sinh hoạt được tổ chức thu gom theo quy định; các làng, cơ quan đạt chuẩn văn hóa 100%, Lễ hội truyền thống Cầu ngư nằm trong danh mục lễ hội của tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức định kỳ 3 năm/lần; các trường học giữ vững kết quả phổ cập giáo dục; hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh, ngoài điểm Bưu điện văn hóa, có 08 điểm dịch vụ viễn thông: Mobifone, viettel, VNPT...., có khoảng 450 máy vi tính được kết nối internet, điện thoại cố định đạt 24 hộ/máy, hàng nghìn người sử dụng ĐTDĐ; công tác Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo tốt.

        

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.042.376
Truy cập hiện tại 777