Thực hiện Kế hoạch số 1065/KH-BCĐLNVSATTP ngày 02/4/2021 của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã Hương Trà về việc triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021; Công văn Số 301/TTYT-KSBT-ATTP ngày 07/4/2021 của TTYT thị xã về đảm bảovệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phục vụ bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm xã Hải Dương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG” NĂM 2021
- Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả đáng kể. Công tác kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm được tăng cường. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực nâng cao nhận thức và chuyển biến hành động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và nhân dân, về thực phẩm sạch, an toàn. UBMTTQ Việt Nam, các đoàn thể đã tích cực vào cuộc mạnh mẽ vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm.
- Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn hiện hữu. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn khó khăn; tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật vẫn còn tồn tại. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể, liên hoan, tiệc cưới, đám tang, lễ hội, trường học nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
- Tình hình dịch covid-19 trên thế giới còn phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới.
- Chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.
II. MỤC TIÊU
1. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về An toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
3. Nêu cao vai trò của các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
-
Thời gian thực hiện: Từ 15/4 đến 25/5/2021
-
Hội nghị triển khai kế hoạch: Từ 15-20/4/2021
-
Phạm vi triển khai: Trên phạm vi toàn xã Hải Dương.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức triển khai Tháng hành động
- Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, quảng cáo thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
- Gắn trách nhiệm của các ngành, các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
2. Về đảm bảo VSATTP, đảm bảo VSMT, phòng chống dịch phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND:
2.1. Đối với hoạt động đảm bảo VSATTP
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành VSATTP và tổ chức kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn trước và trong thời gian diễn ra bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân cấp quản lý. Đối với các điểm bầu cử có tổ chức ăn uống tập trung đông người, cần triển khai giám sát bữa ăn đông người theo quy định.
- Giám sát chặt chẽ các bữa ăn đông người diễn ra trên địa bàn theo quy định.
- Giám sát tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, báo cáo kịp thời về TTYT thị xã khi xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
2.2. Đối với hoạt động Phòng chống dịch, vệ sinh môi trường
- Sử dụng nước uống đảm bảo hợp vệ sinh.
- Thực hiện tổ chức tổngvệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, xung quanh khu vực tại các điểm bầu cử trước khi diễn ra.
- Thực hiện phun khử khuẩn bằng Chloramin B 0.05% hoạt tính toàn bộ các điểm bầu cử (toàn bộ phòng họp, hội trường, phòng bỏ phiếu, sảnh, cầu thang, nhà vệ sinh, …) trước khi diễn ra bầu cử từ 1 ngày. (Trạm y tế xaã chuẩn bị nhân công, Trung tâm y tế cung cấp hóa chất)
- Thực hiện lau chùi bề mặt như sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, nhà vệ sinh,… bằng dung dịch tẩy rửa thông thường trong các ngày diễn ra bầu cử; tần suất 2 lần/ ngày và khử khuẩn đột xuất khi phát hiện có người ho, sốt, khó thở.
-Khử khuẩn hòm phiếu bằng dung dịch sát khuẩn lau bề mặt trong và ngoài hòm phiếu trước khi bỏ phiếu và sau khi đã lấy phiếu ra ra khỏi hòm phiếu.
- Tại các địa điểm tổ chức bầu cử phải bố trí thùng rác đạp chân, có nắp; bàn khử khuẩn (có dung dịch sát khuẩn tay nhanh, nhiệt kế, khẩu trang);
- Sau khi kết thúc công tác vệ sinh khử khuẩn, bầu cử tiến hành thu gom, xử lý rác thải theo quy định.
3. Công tác tổ chức và truyền thông
- Thành lập các tổ thường trực cùng phương tiện, thiết bị sẵn sàng phương án thực hiện công tác điều tra, xử lý nếu xảy ra sự cố liên quan. Khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, VSMT phải khẩn trương báo cáo về Trung tâm Y tế thị xã và UBND thị xã để có phương án xử lý kịp thời
- Họp Ban chỉ đạo thông qua kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Ban chỉ đạo VSATTP xã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa đài phát thanh, các điểm tuyên truyền công cộng.
- Tập trung tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng những tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật trên địa bàn.
- Phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã để tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục cho người dân đảm bảo an toàn thực phẩm, VSMT, phòng chống dịch dưới nhiều hình thức như trên hệ thống đài phát thanh xã; tuyên truyền lưu động bằng xe loa; gửi tin bài về hoạt động triển khai để đăng trên các website, Trang TTĐT xã.
- Phun hóa chất khử khuẩn các điểm tập trung đông người, bãi rác tập trung và các khu vực bầu cử. Tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, sử dụng nước uống hợp vệ sinh
- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
4. Đối tượng ưu tiên truyền thông
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm;
- Các cơ quan, ban ngành, đơn vị, thôn;
- Các hàng quán quán kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, giải khát;
- Người tiêu dùng.
5. Nội dung truyền thông
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đúng quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
- Về VSATTP: Thực hiện ăn chín uống sôi, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bữa ăn tập trung đông người…
- Về Phòng chống dịch: thực hiện 5K khi tham gia bầu cử
6. Khẩu hiệu tuyên truyền
1. Nhiệt liệt hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021.
2. Bảo đảm an toàn thực phẩm là xây dựng, củng cố niềm tin, uy tín sản phẩm Việt Nam!
3. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quyết tâm ngăn chặn thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng!
4. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn!
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu!
6. Không quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm là thuốc;
7. Vì sức khỏe người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
8. Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
9. Lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn an toàn.
10. Để đảm bảo an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
11. Quyền cơ bản của con người là được tiếp cận thực phẩm an toàn.
12. Bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ là trách nhiệm của các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ và tổ chức quản lý chợ.
7. Hoạt động kiểm tra liên ngành
- Căn cứ theo hướng dẫn tổ chức kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động tại Phụ lục 2 đính kèm theo Kế hoạch số 1065/KH-BCĐLNVSATTP ngày 02/4/2021 của Ban chỉ đạo chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã Hương Trà, Ban chỉ đạo chương trình VSATTP xã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra liên ngành tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, chú trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, trong đó tập trung vào việc tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
8. Công tác báo cáo tổng kết Tháng hành động
- Báo cáo kết quả triển khai hoạt động Tháng hành động về Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP thị xã (qua Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà) trước ngày 17/5/2021; riêng về phục vụ bầu cử báo cáo trước ngày 25/5/2021.
- Nội dung báo cáo theo biểu mẫu chương trình.
V. Kinh phí
- Kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương
- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Trên đây là kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021 và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phục vụ bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP xã yêu cầu các ban ngành, cơ quan, đơn vị, thôn nghiêm túc thực hiện./.