Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kế hoạch về việc thực hiện “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn xã Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” xã Hải Dương
Ngày cập nhật 23/02/2021

Thực hiện Kế hoạch số 398/KH-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2021 của UBND thị xã về triển khai thực hiện “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn thị xã Hương Trà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; UBND xã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn xã Hải Dương đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

- Đưa việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn đi vào chiều sâu, thiết thực; đảm bảo môi trường cảnh quan, sinh thái thân thiện và thông minh, góp phần xây dựng Hải Dương ngày càng văn minh, lịch thiệp.

2. Yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể, các thôn trưởng cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn.

- Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

- Tập trung tuyên truyền, vận động và đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế cần thiết cho việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025:

a) 90% gia đình đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa theo quy định.

b) 90 - 95% hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, đặt biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị và nông thôn.

c) 95% khu dân cư đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu văn hóa; giảm mạnh bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội phát sinh.

d) 90% cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã đạt chuẩn văn hóa.

đ) 100% các điểm sinh hoạt công cộng có khu vệ sinh.

e) 100% hộ gia đình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; 80% các thôn đăng ký xây dựng thôn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

i) 98% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các thôn được tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định hiện hành.

g) 100% cán bộ, công chức, viên chức và trên 90% hộ gia đình chấp hành thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

2. Giai đoạn 2025 - 2030:

Giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể sau:

a) 100% hộ gia đình, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các thôn chấp hành thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn, môi trường văn hóa đô thị theo quy định quy định hiện hành.

b) > 95% gia đình được công nhận và giữ vững đạt chuẩn văn hóa; 100% khu dân cư được công nhận và giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn hóa. 

c) 98% cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã đạt chuẩn văn hóa.

d) 100% các thôn được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường vận động, tuyên truyền người dân: Chấp hành nghiêm pháp luật; không vi phạm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và nông thôn; không đổ chất phế thải, rác ra đường, sông, ao, hồ, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; thực hiện nghiêm quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội; không mê tín dị đoan, bói toán, đồng bóng; không sử dụng trang phục thiếu lịch sự đến những nơi tôn nghiêm, các di tích lịch sử, văn hóa; không nâng giá, ép giá, tranh giành, đeo bám khách du lịch; chấp hành nghiêm quy định của nhà nước về thông tin, quảng cáo, rao vặt; không xây dựng các điểm thu gom, buôn bán phế liệu trong khu dân cư.

Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, đúng chuẩn mực trong hoạt động công vụ.

2. Nâng cao vai trò chỉ đạo của Đảng ủy và điều hành thực hiện của chính quyền:

a) Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của cấp ủy Đảng và chính quyền trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sự tham gia tích cực của người dân.

b) Ngăn chặn và xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; Hoàn thiện các quy định, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn và tổ chức xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Thành lập đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra định kỳ, đột xuất; Thực hiện nguyên tắc trách nhiệm quản lý địa bàn về tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm môi trường.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các cơ quan, ban ngành, cộng đồng dân cư, tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi.

a) Xây dựng các chuyên đề nêu gương việc làm tốt, kịp thời phản ánh những vi phạm để ngăn ngừa các hiện tượng có khả năng xảy ra.

b) Đa dạng hóa công tác tuyên truyền:

- Tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan: Thông qua hệ thống pano cờ thả, băng rôn trong các đợt cao điểm hay trong các chiến dịch.  

- Tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng: Mở chuyên mục Phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã; qua các Trang tin điện tử của các cơ quan, ban ngành; nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những hành vi sai trái trong việc chấp hành những quy định về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

- Tuyên truyền thông qua các hội nghị tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Luật An toàn giao thông, văn hóa giao thông, ý thức bảo vệ môi trường, giao tiếp, ứng xử văn minh trong thương mại, dịch vụ du lịch trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho các đối tượng là học sinh, thanh thiếu niên, cán bộ, công chức, nhân dân, tiểu thương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống trường học các cấp cho học sinh, lồng ghép tuyên truyền qua các buổi ngoại khóa của học sinh.

- Tổ chức tuyên truyền trong các buổi họp dân tại các thôn hay các buổi hội họp của các tổ chức đoàn thể như: Chi bộ thôn; hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, hội Nông dân... để tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; nêu cao trách nhiệm nêu gương, vận động của cán bộ, đảng viên đối với người thân và nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh nông thôn.

4. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại.

a) Tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn một cách đồng bộ, chú trọng đến những địa điểm công cộng, các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh.

b) Lồng ghép việc chỉnh trang hạ tầng cơ sở nông thôn với các dự án xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh.

5. Phát huy vai trò của quy ước xây dựng làng, thôn văn hóa: Đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn văn hóa đảm bảo quy định của pháp luật. Đưa tiêu chí thực hiện các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn vào quy ước, hương ước và xem đó là tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm.

6. Tiếp tục thực hiện các mô hình có hiệu quả như: “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

7. Đẩy mạnh thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng” cấp thôn.

8. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở giờ hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và các cơ sở khác có sử dụng âm thanh không được vượt quá quy chuẩn tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

9. Tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương chủ động bố trí kinh phí đảm bảo cho các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó, cần ưu tiên kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị hỗ trợ công tác quản lý và xử lý vi phạm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công chức Văn hóa và Xã hội là cơ quan thường trực có trách nhiệm:

a) Hàng năm tham mưu cho UBND xã xây dựng Kế hoạch triển khai và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tiến hành tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

c) Hàng năm dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch trình UBND xã xem xét theo quy định.

2. Cán bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao

a) Phối hợp, chủ trì triển khai công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên hệ thống truyền thanh; xây dựng chuyên mục, các bài viết, tin, phóng sự,... Kịp thời phát hiện, biểu dương những điểm sáng văn hóa, gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi xa hoa, lãng phí, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và tinh thần xã hội.

b) Phối hợp biên soạn chương trình, nội dung tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan qua ứng dụng công nghệ thông tin.

3. Công chức Tài nguyên & Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các thôn trưởng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường; tổng hợp kết quả xếp loại việc thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá “Xanh - Sạch - Sáng”. Chủ động phối hợp xây dựng mô hình “Thôn, tổ dân phố không rác”; đẩy mạnh phong trào thi đua trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở các cơ quan, ban, ngành, địa phương.

a) Tham mưu cho UBND xã ban hành các văn bản về quản lý hệ thống giao thông; quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát và có Kế hoạch tham mưu đầu tư, trang bị các thiết bị cần thiết ở các khu vực công cộng do mình quản lý.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

d) Đề xuất các tiêu chuẩn quy hoạch đảm bảo điều kiện để người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn.

 4. Công chức Tài chính - Kế hoạch: Nghiên cứu đưa mục tiêu, rà soát các chỉ tiêu của kế hoạch vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Thẩm định, đề xuất UBND xã hàng năm bố trí kinh phí triển khai kế hoạch theo quy định.

6. Công chức Tư pháp: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về xử lý vi phạm hành chính và các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của đơn vị.

7. Công an

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; chỉ đạo Công an viên phối hợp thực hiện công tác đảm bảo  trật tự công cộng.

b) Phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng, tham mưu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếp sống văn minh nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

8. Các trường học trên địa bàn: thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các cấp học trên địa bàn xã về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn thông qua các chương trình, nội dung giáo dục ở bộ môn giáo dục công dân, các bộ môn liên quan; thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi có chủ đề về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn để nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của học sinh.

9. Các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị liên quan: Triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, xây dựng quy định, nội quy về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, lồng ghép vào các nội dung của quy ước xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

10. Đề nghị UBMTTQVN , Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn triển khai thực hiện việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong hệ thống tổ chức của mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong các tổ chức thành viên và đoàn viên, hội viên. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động chuyên đề ở quy mô phù hợp với từng đối tượng hội viên.

Trên đây là Kế hoạch triển khai “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn xã Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Tập tin đính kèm:
Trần Thị My Na
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.044.754
Truy cập hiện tại 205