Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Một số hỏi đáp về công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày cập nhật 26/03/2021

Bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện của Nhân dân là các quyền cơ bản của công dân. Qua đó, người dân có thể tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và trong phạm vi cả nước. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Nhân dân ta sẽ lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân để thực thi quyền làm chủ của mình. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào?

        Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

        Hội đồng nhân dân giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?

        Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

        Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

        Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

        Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

        Vị trí, vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

        Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đó là:

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Những người nào được gọi là cử tri?

Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (Ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, người được xác định có quốc tịch Việt Nam (là công dân Việt Nam) nếu có một trong những căn cứ sau đây:

1. Cha, mẹ đều là công dân Việt Nam, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

2. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

3. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, nếu cha mẹ có sự thỏa thuận bằng văn bản về việc chọn quốc tịch Việt Nam vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

4. Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài mà được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam và cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con.

5. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam.

6. Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai.

7. Người được nhập quốc tịch Việt Nam.

8. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam.

9. Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai.

10. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

11. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

12. Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ (nếu người con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người con).

Người đã có quốc tịch Việt Nam mà bị mất quốc tịch Việt Nam, được Chủ tịch nước quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam thì không còn là công dân Việt Nam.

Người có quốc tịch Việt Nam có thể được chứng minh bằng một trong các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ.

2. Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương.

3. Hộ chiếu Việt Nam.

4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?

Công dân từ đủ 18 tuổi tính đến Ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021, tức là có ngày sinh từ ngày 23 tháng 5 năm 2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?

Những người thuộc các trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án.

- Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

- Người mất năng lực hành vi dân sự.

Người bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Như vậy, công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi hình phạt bị tước quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì có được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử không?

Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”. Như vậy, những người bị kết án phạt tù nhưng được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì không được tính là đang trong thời hạn chấp hành hình phạt tù và vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để thực hiện quyền bầu cử.

Thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự? Người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.

Trên thực tế, bệnh nhân tâm thần thường không cư trú cố định ở một nơi. Mạng lưới y tế chuyên khoa hiện tại cũng chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Do đó, ở địa phương, nếu có trường hợp có biểu hiện bệnh lý tâm thần rõ rệt, thường xuyên không làm chủ được nhận thức và hành vi thì tuy chưa có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, chưa được Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự nhưng gia đình, người giám hộ có cam kết và chính quyền địa phương xác nhận thì họ cũng bị coi là người mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Người vừa câm, vừa điếc có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Người vừa câm, vừa điếc nếu không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 33/HĐBC); đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Việc lập danh sách cử tri phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 04 tháng 4 năm 2021 (50 ngày trước ngày bầu cử).

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 11/HĐBC), trừ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cử tri trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã về việc lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Các cử tri đang đăng ký thường trú tại địa bàn được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi mình thường trú; trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì cần thông báo lại để Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã đăng ký thường trú biết và không ghi tên vào danh sách cử tri ở địa phương. Trong quá trình lập danh sách cử tri, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ ghi vào danh sách những cử tri thuộc diện đăng ký tạm trú ở địa phương mình nếu cử tri đó thể hiện rõ nguyện vọng được tham gia bỏ phiếu tại nơi mình đang tạm trú (có thể bằng văn bản hoặc trực tiếp bằng lời nói với người có trách nhiệm, ví dụ như trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cán bộ phụ trách công tác lập danh sách cử tri của Ủy ban nhân dân cấp xã…).

Sau khi danh sách cử tri đã được lập và công bố, việc thay đổi, bổ sung danh sách được thực hiện theo quy định của Luật và văn bản quy định về các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Chậm nhất là ngày 14 tháng 4 năm 2021 (40 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban nhân dân cấp xã đã lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Cử tri là người di cư tự do, chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa phương thì có quyền tham gia bầu cử đại biểu ở cấp nào?

Về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Trên thực tế, ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư tự do sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau (ví dụ như chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa hoàn thành thủ tục hành chính hoặc không thực hiện việc đăng ký do không hiểu luật…). Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của cử tri là người di cư tự do, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, thì theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi họ đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện việc bầu cử tại địa phương nơi họ đang thực tế sinh sống thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng nơi họ đang thực tế sinh sống và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng (do không có cơ sở để xác định thời gian bắt đầu cư trú tại địa phương).

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư tự do chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.

Cử tri đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi lao động, học tập ở địa phương khác nên thường xuyên không có mặt ở nơi thường trú dài ngày thì việc bảo đảm quyền bầu cử cho họ được thực hiện như thế nào?

Trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu đã làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.

Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời cần có có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.

Cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở giáo dục hoặc nơi có khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu có được không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, cử tri là sinh viên, công nhân cần đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri (ví dụ như đi công tác, đi học, du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thăm thân…) thì có thể xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Trường hợp người đã được ghi tên vào danh sách cử tri ở 01 khu vực bỏ phiếu nhưng gần đến ngày bầu cử được chuyển đi cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác như đã nêu ở trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới nhằm giúp họ thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người bị đưa đi cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế”.

 

 

 

Việc điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri sau khi danh sách cử tri đã được lập và niêm yết được thực hiện như thế nào?

Từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, việc điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi thường trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Khi xóa tên cử tri trong danh sách cử tri và cấp Giấy chứng nhận để cử tri đi bỏ phiếu ở nơi khác, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

- Người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì tùy theo  nguyện vọng của bản thân mà được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về trong khoảng thời gian nói trên, nếu chưa được ghi tên vào danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu nào thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú tùy theo nguyện vọng của bản thân, xuất trình hộ chiếu để được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

- Cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi Thẻ cử tri.

Khác với trước đây, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 không quy định về việc bổ sung cử tri vãng lai vào danh sách cử tri ngay tại phòng bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Do đó, về nguyên tắc, những thay đổi liên quan đến cử tri (như từ nước ngoài trở về Việt Nam, thay đổi nơi thường trú, được trả tự do,…) sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, trừ trường hợp bị xóa tên trong danh sách cử tri thì tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu. Đối với cử tri đã được cấp giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu (theo Mẫu số 12/HĐBC hoặc Mẫu số 13/HĐBC) thì việc bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi mới cũng được tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu. Sau thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã không thực hiện việc bổ sung danh sách cử tri nữa. Trong các biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ bầu cử (theo Mẫu số 20/HĐBC-QH và Mẫu số 25/HĐBC-HĐND), thì tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu được xác định là số cử tri trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu được cập nhật đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu.

Tập tin đính kèm:
Nguyễn Thị Diệu Trang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.015.163
Truy cập hiện tại 52