LỄ HỘI CẦU NGƯ TRUYỀN THỐNG LÀNG THAI DƯƠNG HẠ
NĂM CANH TÝ - 2020
Làng Thai Dương Hạ có nguồn gốc xuất xứ từ làng Thai Dương; đây là một làng cổ có từ lâu đời, xuất hiện từ thời nhà Trần vào đầu thế kỷ 14 (năm 1307) cùng thời điểm Huyền Trân Công chúa vào khai khẩn vùng đất Châu Ô, Châu Lý. Làng được thành lập khoảng 500 trăm năm về trước.. Đây là một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, đã được ghi chép lần đầu tiên trong sách “Ô châu cận lục” do Dương Văn An viết vào năm 1555, dưới thời Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên (năm 1547-1561), đây là một địa danh được liệt kê trong bảng danh sách 60 làng, xã của huyện Kim Trà (tức là huyện Hương Trà về sau), thuộc phủ Triệu Phong, vùng Thuận Hóa. Đến thập kỷ 1930, trong tập “Danh sách xã, thôn Trung Kỳ” vùng đất Hải Dương bấy giờ được gọi là Tổng Vĩnh Trị gồm có các làng là: làng Vĩnh Trị, Thai Dương Thượng, Thai Dương Hạ và thôn Thai Dương.
Ba vị Quý công Phát nguyên từ Kinh Bắc, nơi núi sông thấm đượm khí thiêng hướng về Trời Nam, vượt suối băng ngàn, muôn dặm gian truân đi mở cõi, theo kế an sinh, con cháu của các Ngài lại tìm miền đất mới; đất lành chim đậu, chọn Kim Trà, Thuận Hoá để lập nghiệp sinh cơ; như “Long Vân gặp hội”, làng Thai Dương lập cư; Chiêu mộ dân cư, khai khẩn canh tân, lập nên làng Thai Dương; Non xanh nước biếc, ruộng đất phì nhiêu, cây cối tốt tươi; Gạo trắng, nước trong, cuộc sống ấm no, nơi miền đất mới; Khẩn đất, canh nông, dựng xây cơ nghiệp; Chung lưng đấu cực, cùng dân làng phát triển hương thôn.
Để tưởng nhớ đến công lao của các Ngài khai canh, các vị thủy tổ của các dòng họ và các vị tiền nhân đã thực hiện cuộc hành trình Nam tiến đến lập cư đầu tiên, khai khẩn ra vùng đất Thai Dương nói chung và làng Thai Dương Hạ nói riêng. Ngoài ra, theo lịch sử ghi chép và lời truyền khẩu thì ngài Trương Quý Công sau khi lập làng, Ngài đã vào vùng đất Quảng Nam học nghề đánh bắt thủy sản và buôn bán ra truyền dạy cho dân làng làm nghề này, nhớ đó mà dân làng Thai Dương Hạ ngày một khá hơn về mặt kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Sau khi Ngài Trương Quý Công quy tiên, người dân trong làng từ xưa đến nay luôn tưởng nhớ đến công lao của Ngài vì thế đã dựng Đình, Miếu để thờ Ngài; đồng thời cứ vào buổi rạng đông ngày mười Một, tháng Giêng các năm Tý, Mão Ngọ, Dậu dân làng tổ chức Lễ Chánh tế, lễ Diễn trò Cầu ngư và đua ghe truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá được mùa, cầu an, cầu lộc, cầu tài, mọi người, mọi nhà An khang thịnh vượng. Ban đầu Lễ hội Cầu ngư tổ chức đơn giản, sau dần có điều kiện kinh tế dân làng tổ chức ngày càng quy mô rộng lớn, trang trọng, mang đặc trưng của một lễ hội xứ Huế.
Lễ hội Cầu ngư truyền thống cùng với ngôi Đình làng là nơi thiêng liêng để con dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, dạy nghề, giữ nước…; là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Lễ hội Cầu ngư là hình thức sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất miền biển, đó là sợi dây vô hình, là nơi gắn kết quá khứ với hiện tại và tạo nên mối quan hệ gắn bó, đoàn kết mật thiết của con dân trong làng ở trong nước và nước ngoài với cộng đồng xã hội của làng quê Việt Nam. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở đình làng mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân trong làng.
Lễ hội Cầu ngư truyền thống là lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh cộng đồng do người dân trực tiếp làm chủ thể của lễ hội từ khâu tổ chức cho đến kinh phí thực hiện; nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, hoạt động văn hóa, thể thao của người dân, góp phần vào sản phẩm văn hóa du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và làm phong phú thêm trong kho tàng lễ hội Việt Nam.
Từ ngày đất nước đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, các công trình phúc lợi dân sinh, các thiết chế văn hóa vật thể được đầu tư xây dựng phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian của nhân dân, tinh thần hướng về cội nguồn, hướng về truyền thống văn hóa của quê hương, về bản sắc văn hóa dân tộc được người dân quan tâm sâu sắc. Các thế hệ con dân của làng ngày nay đã kế thừa, đoàn kết, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc văn hóa của quê hương; luôn lấy văn hóa làm nền tảng, làm mục tiêu, làm động lực để phát triển toàn diện mọi lĩnh vực đời sống xã hội; luôn khẳng định niềm tin bền vững, son sắc vào sự đổi mới của quê hương, đất nước; cùng nhau đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm giữ vững truyền thống di sản văn hóa của làng, góp phần xây dựng quê hương Thai Dương Hạ nói riêng và xã Hải Dương nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Năm nay, được sự cho phép của chính quyền các cấp, lại một lần nữa con dân làngThai Dương Hạ ở trong nước và nước ngoài đã tề tựu về quê hương vui tết, đón xuân; cùng nhau đoàn kết tổ chức Lễ hội Cầu ngư truyền thống, tam niên đáo lệ nhằm ôn lại truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thành quả của ông cha ta qua bao thế hệ đã vun đắp, xây dựng và phát triển làng Thai Dương Hạ. Tưởng nhớ công đức quý vị thành hoàng, quý vị tiền nhân, các bậc tiền bối, các anh hùng liệt đã có công khai canh, khai khẩn và bảo vệ vùng đất "Văn vật danh hương", khai sáng ra ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, buôn bán hải sản; đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá được mùa, cầu an, cầu lộc, cầu tài, mọi người, mọi nhà bình an sức khỏe và An khang thịnh vượng.
Tác giả: Nguyễn Hữu Dảnh, Phó chủ tịch UBND xã Hải Dương