Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
CHUYÊN MỤC TUYÊN TRUYỀN VỀ KHÔNG XẢ RÁC THẢI NHỰA, TÚI NILON VÀ RÁC THẢI KHÁC RA MÔI TRƯỜNG CÔNG CỘNG
Ngày cập nhật 12/06/2023

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF-Việt Nam) tiến hành hợp tác với chính quyền, các hội đoàn thể và nhân dân xã Hải Dương triển khai thực hiện Dự án “Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” từ năm 2021 tới 2024 với mục tiêu hỗ trợ bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái của vùng đất ngập nước và ven biển bị ô nhiễm do rác thải nhựa; đồng thời tăng cường quản lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; can thiệp ngăn chặn phát sinh mới và tái hình thành các điểm nóng ven biển, đầm phá, ao hồ, đường bộ, đê điều,….

Tình trạng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng hiện nay cho thấy đây không chỉ là vấn đề của các cấp chính quyền, nhà nước mà còn là vấn đề của mỗi một cá nhân. Hiện tượng ô nhiễm môi trường tại các sông ngòi, đầm phá, ven biển, bãi biển sẽ gây ra những tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, các loài sinh vật và hệ sinh thái. Ngoài ra còn tạo hình ảnh không tốt cho du khách, bạn bè trong và ngoài thành phố Huế về xã Hải Dương.

 

1. TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA VÀ TÚI NI LÔNG

- Tác hại nguy hiểm nhất của rác thải nhựa tới môi trường chính là tính chất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên (sẽ phải mất 100 - 1000 năm để phân hủy). Rác thải nhựa, túi ni lông lẫn trong đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, cản trở quá trình sinh trưởng của cây trồng.

- Túi ni lông nhuộm màu xanh, đỏ, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần làm tăng nguy cơ nhiễm các chất độc hại khi dùng để đựng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nóng, lên men.

- Rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch gây ứ đọng nước thải và ngập úng là điều kiện cho côn trùng, vi khuẩn, vi trùng sinh sôi.

- Rác thải nhựa khi tự phân hủy trong môi trường thường bị vụn thành các hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa với kích thước cực nhỏ, có thể xâm nhập vào cơ thể của các loài sinh vật biển và do không tiêu hủy được hạt vi nhựa được tích tụ lại trong cơ thể sinh vật tiếp tục đi vào cơ thể con người. các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí vào gan.

- Chất thải nhựa và ni lông khi đốt có thể tạo ra khí thải có chứa dioxin và phura, là chất kịch độc, ngất, khó thở, ho, ảnh hưởng tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

- Ngoài ra rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy còn gây mất mỹ quan và cảnh quang môi trường.

2. CẦN GIẢM THẢI RÁC THẢI NHƯ SAU

- Từ chối sử dụng các sản phẩm, các quy trình công nghệ, các nguồn nguyên liệu gây ảnh hưởng tới môi trường (VD: Từ chối không mua các sản phẩm không thực sự cần thiết, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thay cho hóa chất thuốc trừ sâu…)

- Giảm thiểu lượng rác thông qua việc thay đổi lối sống và cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất, mua bán để giảm lượng rác thải, nhựa dùng một lần (VD: Mua hàng đóng gói lớn thay cho sản phẩm đóng gói nhỏ lẻ, người bán nước giải khát dùng cốc sứ, thủy tinh thay cho cốc nhựa một lần…)

- Sử dụng lại sản phẩm, hay một phần sản phẩm cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác, sử dụng một sản phẩm nhiều lần cho đến hết tuổi thọ sản phẩm (VD: Giặt sạch túi ni lông để dùng nhiều lần).

- Sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất ra các chất hoặc sản phẩm có ích khác (VD: dùng chai, lọ nhựa làm thành chậu trồng cây, ống đựng bút…).

- Ưu tiên sử dụng sản phẩm có tính phân hủy cao, an toàn với môi trường, phân loại và sử dụng rác hữu cơ để ủ phân vi sinh (khi có điều kiện).

3. NHỮNG SẢN PHẨM THAY THẾ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG ĐỂ GIẢM THẢI RÁC THẢI NHỰA

Con người chỉ mất một giây để vứt bỏ nhưng rác thải nhựa và túi ni lông cần đến hàng, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy. Hậu quả của chúng đối với môi trường thật sự khủng khiếp.Bên cạnh đó, chúng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không kịp thời hành động, rác thải nhựa và túi nilông sẽ phá hủy hoàn toàn trái đất và cuộc sống của con người. Mỗi người chúng ta cá theer chung tay từ những hành động nhỏ nhất như sử dụng các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa và nhựa dùng một lần ngay từ hôm nay:

- Sử dụng túi, hay giỏ xách nhựa để đi chợ thay vì sử dụng túi ni lông.

- Sử dụng bàn chải thân tre thay vì các loại bàn chải thân nhựa, vì thân tre có thể tự phân hủy sinh học.

- Sử dụng xơ mướp làm bông tắm, làm giẻ rữa bát: Sau khi sử dụng xong nên giặt, phơi khô để dùng bền hơn.

- Sử dụng bình nước kim loại, thủy tinh để đựng nước thay vì chai nhựa, lon nhựa.

- Sử dụng hộp đựng thức ăn bằng bã mía hoặc các sản phẩm sinh học vừa ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư, vừa giảm thiểu rác thải nhựa ra ngoài môi trường.

4. NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỂ GIẢM THẢI RÁC THẢI NHỰA VÀ CÁC LOẠI RÁC THẢI KHÁC

Để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, không xả các loại rác thải ra bên ngoài môi trường công cộng cần sự hưởng ứng của người dân, các cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh, các ngành, các cấp và cuối cùng là người tiêu dùng tham gia thực hiện một số biện pháp như sau:

- Thực hiện phân loại rác thải, lưu trữ rác tại hộ gia đình theo hướng dẫn.

  • Đổ rác đúng giờ
  • Đổ rác đúng nơi quy định
  • Không đốt rác ngoài trời

- Thực hiện nguyên tắc: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế - Thu gom nhằm giảm thiểu lượng rác thải tạo ra.

- Không xả rác bừa bãi, hướng tới “Không rác thải nhựa trong tự nhiên”.

- Mua sắm và tiêu dùng có ý thức, có trách nhiệm.

- Tuyên truyền, phổ cập kiến thức về môi trường để nhân rộng lối sống xanh và có trách nhiệm.

- Không xả rác thải ra nơi cộng cộng, ao hồ, đầm phá, đường giao thông, bờ kè, bờ biển, đường Lâm sinh,…

- Các cơ sở, hộ kinh doanh phải có thùng, giỏ đựng rác gọn gàng, sạch sẽ; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại bờ kè, bờ biển, bãi biển và đường Lâm sinh.

- Duy trì ý thức bảo vệ môi trường khi đi du lịch, du khách phải bỏ rác vào các thùng chứa rác theo quy định, nâng cao ý thức về phát triển du lịch bền vững.

UBND xã kêu gọi toàn thể người dân Hải Dương và du khách về tham quan du lịch tại biển Hải Dương chúng ta hãy thay đổi nhận thức, chuyển đến hành vi không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tiến tới nói không với rác thải nhựa, không vứt, xả rác bừa bãi ra môi trường bên ngoài, nơi công cộng, bãi biển,... Cùng chung tay với địa phương bảo vệ môi trường quê hương Hải Dương ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Uỷ ban xã Hải Dương đã ban hành THÔNG BÁO về việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, rác thải tại bờ biển và tuyến đường lâm sinh

Vừa qua, UBND thành phố Huế, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF-Việt Nam) và UBND xã Hải Dương đã tổ chức sự kiện “Đi bộ nhặt rác - Huế Plogging 2023” tại bờ biển và đường lâm sinh để rèn luyện sức khỏe, vừa nhặt rác để xóa điểm nóng ô nhiễm rác thải tại vùng biển Hải Dương; đồng thời hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6 với mục tiêu xóa bỏ điểm nóng rác thải và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, vừa nâng cao nhận thức của người dân về bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác thải ra nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa.

Nay, UBND xã Hải Dương thông báo và yêu cầu các cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chế biến, du khách, người dân đang sinh sống, kinh doanh và đến vui chơi tại bãi biển, đường lâm sinh thực hiện một số nội dung như sau: 

1. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh môi trường như: Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các quy định của địa phương về bảo vệ môi trường, rác thải.

2. Tự giác chấp hành không đổ các loại rác thải trái quy định. Không xả, vứt, bỏ rác thải sinh hoạt, vỏ ốc, trìa, hàu, vẹm, bì ni lông, vỏ lon, chai sành, nhựa các loại,.… ra nơi công cộng, bãi biển, đường lâm sinh gây ô nhiễm môi trường.

3. Đối với du khách yêu cầu phải bỏ rác vào các thùng chứa rác theo quy định, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường góp phần phát triển dịch vụ du lịch bền vững.

4. Các cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi biển và đường lâm sinh phải có thùng, giỏ đựng rác, khu vực chứa rác gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Giao trách nhiệm cho Công chức Địa Chính-Nông nghiệp-Xây dựng và Môi trường; Công an; Xã Đội; Tổ Quản lý đô thị; Trưởng thôn Thai Dương Hạ Bắc-Trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý theo thẩm quyền, tham mưu UBND xã xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định.

Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm “Xanh – Sạch – Sáng”

 

Tập tin đính kèm:
Nguyễn Thị Diệu Trang
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 683.627
Truy cập hiện tại 42