Căn cứ Công văn số 4918/UBND-PCTT ngày 13 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Huế về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2021. UBND xã Hải Dương ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa để phòng chống lụt bão năm 2021 trên địa bàn xã, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động trước mọi tình huống ứng phó với bão, lụt có thể xảy ra trên địa bàn, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra.
- Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai khi có bão, lụt xảy ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
2. Yêu cầu
- Khi thiên tai, bão lụt xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của cơ quan chức năng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; đồng thời, góp phần tham gia vào công tác bình ổn thị trường.
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo cung ứng đầy đủ số lượng, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
-Trong điều kiện bình thường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì lượng bán hàng hóa ổn định, hạn chế tình trạng thiếu hàng do cung không đảm bảo cầu.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Hàng hóa, số lượng và thời gian thực hiện
a) Hàng hóa, số lượng dự trữ:
- Hàng hóa: Gạo (1.000kg), mì tôm (570 thùng), gas, xăng dầu, nước uống
Tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu có biến động của thị trường có thể điều chỉnh số lượng dự trữ cho phù hợp.
b) Thời gian thực hiện: từ ngày 15/9/2021 đến ngày 15/12/2021 (chi tiết tại phụ lục đính kèm)
Dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống lụt, bão năm 2021 (gồm các mặt hàng: gạo, mì ăn liền, nước suối tinh khiết, nhu yếu phẩm thiết yếu khác) nhằm cứu trợ kịp thời cho nhân dân khi có bão lụt xảy ra. Giao công chức Địa chính – xây dựng – nông nghiệp và môi trường, công chức Tài chính-Kế toán tùy theo diễn biến tình hình thời tiết để chọn thời điểm dự trữ sớm hoặc muộn hơn; chủ động nắm tình hình dự trữ các mặt hàng nước uống đóng chai, muối ăn, gas tại các tiệm tạp hóa trên địa bàn để tham mưu điều động cứu trợ khi cần thiết.
2. Đối tượng và điều kiện tham gia
a) Đối tượng: Các cơ sở chế biến thủy sản, các đại lý, tiệm kinh doanh hàng tạp hóa trên địa bàn.
b) Điều kiện tham gia:
- Các cơ sở có kho hàng dự trữ và điểm bán hoạt động ổn định.
- Cam kết hàng hóa tham gia dự trữ đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bán đúng theo giá đăng ký được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của các đơn vị tham gia
a) Quyền lợi: Được hỗ trợ các chi phí lưu kho, bảo quản hàng hóa dự trữ. Dự kiến 100.000 đồng/ 1 cơ sở
b) Nghĩa vụ:
- Tổ chức dự trữ hàng hóa theo yêu cầu, đảm bảo hàng hóa dự trữ đúng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Chấp nhận điều động cung ứng hàng hóa dự trữ để điều tiết, bình ổn thị trường theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có thiên tai xảy ra.
- Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên (01 tháng/lần) hoặc báo cáo đột xuất về tình hình dự trữ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi thiên tai xảy ra.
c) Xử lý vi phạm:
Đối với các hành vi không thực hiện đúng cam kết, hợp đồng về số lượng, chất lượng hàng hóa, không bán theo mức giá đăng ký hoặc được chấp nhận sẽ bị xử phạt theo quy định, không được xét, nhận kinh phí hỗ trợ và bị truy thu các khoản kinh phí hỗ trợ liên quan đã được nhận, kể từ năm vi phạm.
d) Khen thưởng:các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm tốt nhiệm vụ dự trữ hàng hóa xem xét khen thưởng và được ưu tiên lựa chọn tham gia những năm tiếp theo.
4. Điều chuyển hàng hóa dự trữ phục vụ phòng, chống bão lụt: Trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lụt… các cơ sở phải tổ chức điều chuyển, xuất bán hàng hóa dự trữ để phục vụ công tác cứu trợ phòng, chống bão lụt theo chỉ đạo của UBND xã; giá bán hàng hóa phục vụ phòng chống bão, lụt trên địa bàn được thực hiện theo mức giá cam kết của cơ sở với cơ quan chức năng. Khi điều chuyển hàng hóa dự trữ phải lập biên bản giao, nhận cụ thể giữa các bên liên quan.
5. Kiểm tra giám sát và đánh giá hiệu quả
Thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện về số lượng, chất lượng, cơ cấu chủng loại hàng hóa theo cam kết; đồng thời kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tham gia hàng hóa dự trữ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công chức Địa chính – Xây dựng – Nông nghiệp & Môi trường
- Tham mưu thực hiện kế hoạch và phối hợp với công chức Tài chính-Kế toán hợp đồng với các cơ sở kinh doanh hàng tạp hoá để dự trữ hàng hóa phòng chống bão, lụt; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện.
- Chủ trì xem xét các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đủ điều kiện để tham gia dự trữ hàng hóa; tùy theo diễn biến tình hình thời tiết chủ động chọn thời điểm ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống lụt bão; ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa;
- Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát công tác dự trữ, chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.
- Theo dõi, đánh giá và đề xuất UBND xã khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tập thể tham gia công tác dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão.
2. Công chức tài chính – Kế toán
- Tham mưu UBND xã trích nguồn ngân sách để hỗ trợ các chi phí cho các các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão.
- Thẩm tra báo cáo về kinh phí hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dự trữ hàng hóa phòng, chống lụt bão.
- Tham mưu UBND xã trích nguồn ngân sách thanh quyết toán tiền hàng cứu trợ bão lụt cho các cơ sở đảm bảo thanh toán kịp thời, đúng thời gian quy định.
Trên đây là kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão năm 2021 của UBND xã Hải Dương. Đề nghị các công chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có liên quan thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND xã để được giải quyết./.